SÁU KINH NGHIỆM KHI TRỒNG RAU TẠI NHÀ

Trồng rau tại nhà đang trở thành xu hướng mới của người dân đô thị, do nguồn rau xanh bán bên ngoài không còn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và nhu cầu rau an toàn trở thành thiết yếu cho mỗi gia đình.
Để bắt đầu học và làm quen với việc trồng rau tại nhà, mọi người đều có cách riêng để nắm bắt thông tin kỹ thuật, nhưng đa số mọi người thường tìm hiểu thông qua internet hay đi học các khóa học ngắn ngày hướng dẫn trồng rau tại nhà.
Tuy nhiên để thành công khi trồng rau tại nhà, ngoài việc bỏ chi phí ban đầu mua dụng cụ vật tư thì chắn chắc các bạn sẽ gặp những trục trặc nhỏ như gieo hạt khó lên, tưới nước quá dư làm rau bị úng, rau bị vàng lá do thiếu dinh dưỡng,…nhưng đó chỉ là những trải nghiệm thú vị sẽ giúp các bạn thành công hơn ở lần trồng tiếp theo, miễn là chúng ta đừng bỏ cuộc hay nản chí.
Sau đây là sáu kinh nghiệm khi trồng rau tại nhà nhằm giúp các bạn tự tin hơn trong việc tự tạo ra rau an toàn cho gia đình của mình.
Sáu kinh nghiệm khi trồng rau tại nhà
Mô hình trồng rau mầm tại nhà trong khay xốp

1. Cần phải ngâm ủ hạt giống trước khi gieo vào chậu đất

Để giúp hạt giống rau đủ độ ẩm nẩy mầm thì rất cần công đoạn ngâm hạt trong thời gian 6-10 giờ sau đó đem ủ lại trong lớp khăn ướt trong thời gian 1-2 ngày, khi thấy hạt vừa nức vỏ thì mới bắt đầu trồng vào chậu đất.
Vì thời tiết hiện nay khá nóng do sự thay đổi của khí hậu, nên chỉ gieo hạt và tưới nước không đảm bảo ẩm độ cho sự nẩy mầm. Sự ngâm ủ hạt giống trước khi gieo sẽ đảm bảo tỷ lệ nẩy mầm tốt nhất.

2. Chọn đất trồng rau phù hợp vừa sạch vừa an toàn cho sức khỏe

Đôi khi người trồng rau chỉ mua hạt giống và tận dụng đất sẵn có tại nhà để trồng rau.Thật ra đất đã sử dụng lâu ngày thường bị chai cứng, ít dưỡng chất cần thiết cho rau. Mặt khác rau là loài cây có bộ rễ ăn cạn trên lớp mặt từ 5-12 cm, nếu đất không giữ ẩm tốt thì rau rất khó phát triển, cây rau cũng sẽ lên nhưng hay bị còi cọc lá nhỏ dần.
Trường hợp trồng rau không dùng phân vô cơ như NPK, Lân, DAP, Urê…thì rau cũng chậm lớn, lá có hiện tượng nhạt màu do thiếu dinh dưỡng, nên bổ sung thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế.

3. Xem lại quan điểm dùng phân hóa hoc ( phân vô cơ) thì rau trồng tại nhà không được an toàn

Nếu người trồng rau bán trên thị trường thì họ lạm dụng phân hóa học để rau mau lớn cho nhiều nhánh lá miễn bán nhiều tiền không cần quan tâm đến liều lượng và thời gian cách ly theo yêu cầu.
Còn khi trồng rau tại nhà chúng ta đã khống chế liều lượng dưới ngưỡng cho phép và thời gian cách ly do mình chủ động thì khi thu hoạch rau tại nhà vẫn đảm bảo sạch an toàn.
Do phân hóa học như urê, lân, Dap…có giá thành khá rẻ dễ tìm, lại dễ sử dụng, tốt nhất nên pha loãng vào nước sạch tưới cho rau là an tâm.
Vì vậy đề nghị các bạn xem lại quan điểm không dùng phân hóa học khi trồng rau tại nhà.

4.Tái sử dụng lại đất trồng rau sau khi thu hoạch

Về lý thuyết là đất trồng rau có thể sử dụng được nhiều lần, tuy nhiên do còn tồn dư một phần rễ rau sót lại sẽ là mầm bệnh tồn dư cho lứa trồng rau lần sau.
Để có thể tái sử dụng lại đất sau khi thu hoạch nên nhặt hết lá rễ thừa còn phía dưới, xong đem trải mỏng phơi dưới ánh nắng mặt trời từ 4-5 ngày cho tiêu diệt mầm bệnh. Sau đó trộn thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế với tỷ lệ 1:1 rồi đem trồng lại rau mới.

5. Lưu ý lượng nước tưới rau khi trời quá nắng hay mưa bão kéo dài

Rau trồng tại nhà có nhu cầu nước rất cao, nếu mùa nắng gắt như hiện nay thì phải tưới 2 lần trong ngày, trường hợp rau còn nhỏ hay khi vừa mới trồng sang chậu thì cần che bớt ánh nắng gắt lúc giữa trưa giúp rau không bị héo lá.
Ngược lại khi mưa bão kéo dài, thời tiết trở lạnh đột ngột thì rau rất dễ nhiễm bệnh do nước mưa làm dập lá rau, hay nước dư thừa dẫn đến làm hư thối rễ rau. Nên có biện pháp che không cho nước mưa rơi trực tiếp xuống chậu rau, có thể phun thêm phân bón lá vitamin và vi lượng tăng đề kháng cho rau trồng.

6. Lưu ý khi cắt thu hoạch rau trồng

Đối với loại rau có thể thu hoạch nhiều lần như mồng tơi, rau muống, ….khi cắt rau nên dùng dao hay kéo bén cắt rau không làm dập thân nhánh thì cây rau sẽ cho lại nhánh mới.
Nếu trồng các loại cải nên nhổ cả cây tỉa thưa ăn dần, các cây cải còn lại sẽ nhanh lớn hơn do không bị canh tranh dinh dưỡng.
Sau mỗi đợt nhổ hay cắt rau thu hoạch nên bổ sung phân vô cơ và hữu cơ ( phân trùn quế) để rau trồng mau mọc thêm nhánh lá mới.
Sáu kinh nghiệm khi trồng rau tại nhà xin góp những kinh nghiệm mong các bạn thành công trong việc tạo nguồn rau xanh an toàn cho sức khỏe những người thân trong gia đình của mình.
Ngọc Hân

Nhận xét