Từ xa xưa, thợ thủ công ở Nhật
đã tận dụng gỗ anh đào để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Họ dùng gỗ
anh đào làm đồ gia dụng như tủ, bàn ghế hoặc những vật dụng trang trí
nội thất khác.
Gỗ anh đào có ưu điểm là chắc, cứng và
rất tốt. Người ta thường dùng loại gỗ này để tạo ra những sản phẩm đồ
gỗ cao cấp có giá trị. Ngay cả phần vỏ ngoài của thân cây cũng được tận
dụng.
Sau khi tách vỏ ra khỏi thân cây,
người thợ dùng dao cạo nhẵn phần vỏ ngoài xù xì. Khi vỏ cây đã trơn láng
họ bắt đầu dùng thanh kim loại sắc nhọn cắt vỏ ra thành nhiều sợi dài
và mảnh giống như dây buộc. Những sợi dây làm từ vỏ cây anh đào được sử
dụng để quấn xung quanh ống tre tạo thành ống sáo Ryuteki, một loại nhạc
cụ truyền thống của người Nhật. Với đặc tính chắc và dẻo dai, vỏ cây
anh đào rất thích hợp để trang trí, giúp kéo dài tuổi thọ của vật dụng.
Ngoài ra, hình dáng hoa anh đào cũng được sáng tạo thành nhiều mẫu hoa
văn trang trí trên các vật dụng hàng ngày.
Đối với người Nhật, anh đào là loài
hoa rất đặc biệt, hình ảnh của nó hiện diện trong tất cả hoạt động
thường nhật góp phần tạo nên màu sắc sinh động của cuộc sống. Từ thời cổ
đại, mỗi khi mùa xuân về, người Nhật rất thích tổ chức các cuộc dã
ngoại trên núi để thưởng thức nhiều loài hoa nở, ca hát và ngâm thơ. Lúc
này, hoa anh đào vẫn chưa được chú ý.
Đến thời Nara cách nay khoảng 1300
năm, hoa mơ trở thành loài hoa được yêu thích nhất. Hoa mơ có nguồn gốc
từ Trung Quốc được các sứ giả Nhật Bản mang về nước phổ biến. Vào thời
điểm này, vẻ đẹp của hoa mơ là đề tài chủ đạo trong thơ ca Nhật Bản.
Sau đó, đến thời Heian, tập quán ngắm
hoa nở phát triển mạnh trong tầng lớp quí tộc. Cũng trong thời kì này,
văn hóa võ sĩ đạo dần hình thành và trở nên cực thịnh, hoa anh đào được
dùng làm hình ảnh tượng trưng cho tinh thần người võ sĩ. Và cũng từ đó,
hoa anh đào bắt đầu xuất hiện nhiều trong thơ ca mùa xuân của Nhật Bản
bên cạnh những bài thơ về hoa mơ. Hoa anh đào đã tạo nên sự thay đổi
trong văn hóa Nhật.
Hoạt động văn hóa nổi tiếng của người
Nhật gắn liền với hoa anh đào là lễ hội ngắm hoa hay còn được gọi là
“hanami”. “Hana” nghĩa là hoa và “mi” là nhìn, ngắm.
Cách nay khoảng 400 năm, chùa Daigoji ở
cố đô Kyoto là một trong những nơi diễn ra lễ hội hanami long trọng ở
Nhật. Tướng quân Toyotomi Hideyoshi, người đã mang lại sự thay đổi lớn
trong lĩnh vực chính trị của Nhật Bản và cũng là người rất say mê ngắm
hoa đào. Tướng quân Hideyoshi đã ra lệnh tuyển chọn 700 cây hoa anh đào ở
những vùng lân cận mang đến trồng tại chùa Daigoji nhằm phục vụ cho sở
thích ngắm hoa của ông.
Hideyoshi thường xuyên chủ trì các lễ
hội ngắm hoa tại chùa Daigoji với sự tham dự của khoảng 1300 người. Cho
đến nay, vào dịp xuân về hàng năm, chùa Daigoji lại tổ chức lễ ngắm hoa
đào và tái hiện hình ảnh ngày xưa của tướng quân Hideyoshi.
Vào đầu thế kỉ XVIII thuộc thời kì
Edo, Nhật Bản hoàn toàn không có những điểm ngắm hoa anh đào tập trung
và qui cũ. Người dân Edo tự định ra nhiều nơi để tổ chức lễ hội ngắm hoa
đào. Vì vậy, chính quyền đã quyết định thành lập công viên Asukayama
trong nổ lực tạo ra một khu vui chơi cố định cho người dân. Tướng quân
thứ 8 của dòng họ Tokugawa là Tokugawa Yoshimune là người chủ trì dự án
này. Yoshimune đã ra lệnh trồng 270 cây anh đào tại công viên. Asukayama
là một trong những công viên đầu tiên tại Nhật.
Vào giữa cuối thế kỉ XIX, giai đoạn
sắp chấm dứt thời kì Edo đã xảy ra một sự cải biến lớn trong lịch sử
phát triển của hoa anh đào. Đó là sự xuất hiện của giống hoa anh đào
Somei-yoshino, loại hoa cánh đơn. Hoa có 5 cánh màu trắng tinh khiết,
rất đẹp. Trước khi được trồng rộng rãi, hoa anh đào Somei-yoshino là
thành quả trong một thời gian dài lao động miệt mài của những người thợ
làm vườn thời Edo. Hoa anh đào Somei-yoshino là sản phẩm lai ghép do các
nghệ nhân làm vườn ở Somei thực hiện.
Hoa đào Somei-yoshino |
Ban đầu, họ đặt tên hoa là
Yoshinozakura. Thế nhưng, đã có một vùng hoa anh đào rất nổi tiếng mang
tên Yoshino, nên để tránh nhầm lẫn với anh đào vùng Yoshino, người ta
đổi tên hoa thành Somei-yoshino. Đây là một trong những loài hoa anh đào
nổi tiếng nhất Nhật Bản. Thời gian tính từ khi hoa Somei-yoshino nở và
rụng chỉ kéo dài trong một tuần trước khi những chồi non bắt đầu nảy
lộc. Người Nhật dành tình cảm đặc biệt với hoa Somei-yoshino không chỉ
vì vẻ đẹp thanh cao của nó mà bởi đặc tính hoa lìa cành khi cánh hoa vẫn
còn tươi thắm.
Hoa anh đào là tượng trưng cho nước
Nhật. Những cánh hoa tươi thắm lìa cành tung bay trong gió là hiện thân
của tinh thần người võ sĩ biết chết một cách cao đẹp. Điều đó có nghĩa
là khi người võ sĩ khi đối mặt với hiểm nguy, anh ta không run sợ trước
cái chết bởi vì giống như hoa anh đào, anh ta sẽ tự đâm mình và gục
xuống không ngần ngại hay suy nghĩ.
Thanh Tâm
Nhận xét
Đăng nhận xét