Hoa là nét đẹp của người thi sĩ, tên hoa lại gắn
liền với những người con gái nhan sắc, vậy phải chăng, mối một loài hoa
đều có một lịch sử và từ xa xưa thì lịch sử của chúng đã trở thành
truyền thuyết, sự tích...?
Thông tin chung
Tên thường gọi: Anh đào
Tên khoa học: Prunus spp. bao gồm các loài Prunus jamasakura, Prunus serrulata và một loài lai tạo Prunus × yedoensis
Thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae
Tên khoa học: Prunus spp. bao gồm các loài Prunus jamasakura, Prunus serrulata và một loài lai tạo Prunus × yedoensis
Thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae
Hoa anh đào - Prunus jamasakuraảnh theo farm3.static.flickr.com
Một số loại anh đào
Hoa
anh đào có rất nhiều loại, từ loại hoa mọc dại trên núi cho đến những
loại được lai tạo kỳ công để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người.
Sau đây là một vài loại hoa tiêu biểu:
Yamazakura
Thường
mọc ở phía Nam của Honshū. Nó còn có một tên gọi khác là Bạch Sơn
Sakura. Khi hoa nở thì thường có màu trắng hoặc màu hồng nhạt và mùi
hương khá đậm. Đặc điểm của loại hoa này là khi hoa nở cũng là lúc lá
đâm chồi nảy lộc.
Oyamazakura
Thường
mọc ở phía Bắc của Honshū và vùng núi Hokkaido, nó còn có tên gọi khác
là Hồng Sơn Sakura (Beniyama Zakura). Loại hoa này có màu hồng đậm hơn,
lá và hoa cũng to hơn so với Yamazakura.
Oshimazakura
Oshimazakura
có nhiều ở bán đảo Izu. Khi lá đâm chồi nảy lộc cũng là lúc hoa bắt đầu
nở và cho mùi hương quyến rũ là đặc trưng của loại hoa này. Khi hết mùa
hoa anh đào, người ta thường ngắt lá của loài hoa này ướp một chút muối
và dùng để làm vỏ cuốn bên ngoài cơm nắm onigiri hoặc cuốn ngoài một
loại bánh dày truyền thống của Nhật. Vì thế loại hoa này mới có tên gọi
sakura mochi.
Edohigan
Loại
hoa này thường mọc ở vùng núi Honshū, Shikoku và Kyushū. Đặc trưng của
loại hoa này là trước khi lá đâm chồi nảy lộc thì những cánh hoa đã vươn
mình khoe sắc, chuyển dần từ gam màu trắng sang màu hồng nhạt. Thi
thoảng chúng ta bắt gặp đâu đó bên những mặt hồ hay bờ sông có loài hoa
rủ xuống yểu điệu, thì đó chính là một trong số những loài hoa này.
Kasumizakura
Kasumizakura
mọc rải rác ở các vùng núi từ Hokkaido đến Kyushū. Đặc trưng của loài
này là có một lớp lông non bao phủ trên cánh hoa và lá, có lẽ vì thế mà
nó có một cái tên khác là Mao Sơn (Keyamazakura). Loại hoa này khi nở
cũng chuyển dần từ sắc trắng sang sắc hồng.
Someiyoshino
Là
loài hoa pha trộn đặc tính giữa hai loài Oshimazakura và Edohigan. Trên
lá non và cánh hoa có lớp lông non bao phủ và khi hoa tàn thì mới là
lúc lá đâm chồi nảy lộc. Hoa nở có màu hồng nhạt.
Trong
số các loài anh đào thì loại Someiyoshino được trồng nhiều nhất vì loại
này hoa lại nở trước rồi mới mọc lá. Cánh hoa cũng to hơn so với các
loại khác và nhìn có vẻ đẹp quý phái hơn. Hơn nữa loại hoa này sinh
trưởng nhanh, chỉ khoảng 10 năm đã trở thành một cây lớn và cho hoa nở
nhanh hơn loại khác. Từ thời kỳ Meiji loại này đã được trồng phổ biến
trên khắp nước Nhật.
Quốc hoa Nhật Bản
Với
người Nhật, Sakura zensen tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và
trong trắng, là loại hoa "thoắt nở thoắt tàn" nên được các samurai yêu
thích, vì nó tượng trưng cho "con đường chết" của người võ sĩ (sống và
chết như hoa anh đào). Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh
đào, đặc biệt ở trong các công viên, ven sông, dọc theo bờ kênh, trong
sân các ngôi biệt thự. Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân,
tuy từng nơi mà hoa có thể nở sớm hơn hay muộn hơn. Ở miền Nam Nhật ấm
áp hơn, hoa có thể nở từ cuối tháng 1 trong khi vùng Hokkaido phía Bắc
Nhật Bản, hoa có thể nở vào tháng 5. Do vậy người yêu thích hoa anh đào
có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ Nam lên Bắc trong nước Nhật hàng
tháng trời, đối lập với lá momizi trong sắc mùa thu, đỏ thắm dần từ Bắc
xuống Nam.
Trong mùa hoa anh đào nở, nước Nhật như
được bao phủ trong một đám mây hoa và những cánh hoa rơi rụng lả tả
trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng, người Nhật
thường tổ chức lễ hội mừng hoa khắp nước. Thanh niên nam nữ tổ chức cắm
trại vui chơi. Các cụ già ngồi uống rượu sake dưới gốc cây. Trong khi
uống sake, nếu có một cánh hoa rơi rụng vào chén rượu thì mọi người
thường hân hoan cho đó là điều may mắn. Các đời thủ tướng Nhật thường tổ
chức chiêu đãi các đoàn khách ngoại giao đến vườn thượng uyển Shinjuku
Gyoen uống rượu ngắm hoa.
Có truyền thuyết cho
rằng "sakura" là cách gọi lái từ "sakuya", trích từ tên của nữ thần
Konohana-Sakuya-hime - một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử “Cổ
sự ký” (Kojiki) của Nhật. Theo truyền thuyết, nữ thần này chính là người
đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được coi là
nữ thần Sakura. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở
cũng mang vẻ đẹp tựa như sắc đẹp của bà. Có lẽ vì thế người ta cho rằng
tên Sakura bắt nguồn từ đó.
Mùa hoa nở
Hoa
anh đào nở rộ suốt từ cuối tháng 1 cho đến đầu tháng 5 trải dài theo
đường kinh tuyến của Nhật Bản. Bắt đầu từ Okinawa vào cuối tháng 1 cho
đến Hokkaido vào đầu tháng 5. Do ở phía nam Okinawa thời tiết ấm áp nên
hoa anh đào ở đây nở sớm nhất, tiếp theo là ở vùng Kyush, Kantou,
Shikoku, còn ở Hokkaido thì phải đến đầu tháng 5, hoa anh đào mới nở.
Ngoài ra còn tùy theo từng loại hoa anh đào khác nhau mà thời gian
mankai cũng khác nhau. Sau thời gian mankai khoảng 1 tuần là hoa bắt đầu
tàn dần.
Trong Văn học Nhật Bản
Trong
cuốn tiểu thuyết phản ánh đầy tâm trạng của một người già suy nghĩ về
cuộc đời, cái chết và sự tái sinh, "Tiếng rền của núi" (Yama no otō),
văn hào Kawabata Yasunari đã dành chương 6 (chương mang tên "Anh đào mùa
đông") để miêu tả cây anh đào trong vườn khách sạn Atami nở đầy hoa
giữa tháng một. Tuy được mọi người giải thích rằng đây là giống anh đào
mùa đông, ông già Shingo vẫn có cảm giác mình như đã rơi vào mùa xuân
của một thế giới xa lạ nào đó.
Hoa Kỳ
Vào
năm 1912, chính phủ Nhật đã tặng Hoa Kỳ 3000 cây anh đào, và năm 1956
lại tặng thêm 3800 cây. Tất cả các cây này được trồng tại Công viên West
Potomac ở Washington, D.C. và là chủ đề cho Hội hoa anh đào quốc gia
hàng năm.
Các thành phố khác tại Hoa Kỳ cũng có hội hoa anh đào là Philadelphia, Pennsylvania và Macon, Georgia.
Canada
Bắt
đầu từ thập niên 1930 Nhật Bản đã tặng thành phố Vancouver của Canada
với nhiều cây anh đào[1] và nhiều đường phố tại Vancouver vào mùa xuân
được phủ với hoa anh đào rơi.
Trung Quốc
Miền
Bắc Trung Quốc cũng có rất nhiều hoa anh đào nhưng giá trị biểu tượng
của nó không lớn đối với người dân Trung Quốc nói chung, vì chỉ là sản
phẩm của một địa phương.
Hàn Quốc
Tại
bán đảo Hàn Quốc, do cùng đới khí hậu với Nhật Bản, hoa anh đào cũng
tràn ngập khắp nơi. Dầu vậy tình cảm của người dân Hàn Quốc với loài hoa
này không giống như người Nhật, và người dân Hàn Quốc tôn vinh loài hoa
hồng saron là quốc hoa.
Việt Nam
Tại
Việt Nam, ở Đà Lạt có một loại hoa anh đào, tuy cũng rất đẹp nhưng
không cùng loại với những cây anh đào trên đất Nhật Bản. Gần đây chính
phủ Nhật Bản tặng Việt Nam một số cây hoa anh đào nhằm kỷ niệm quan hệ
hợp tác hai bên. Những cây anh đào đến từ đảo quốc Nhật Bản được trồng
tại Đại sứ quán Nhật Bản trên đường Liễu Giai, Hà Nội, và ở Sapa, tuy do
không hợp khí hậu, thời tiết nên chưa mấy thành công.
Sự tích hoa Anh đào
Ngày
xưa ở xứ Phù tang chưa có hoa anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng
xinh xinh ven núi Phú Sĩ, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm
khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi, có một đạo sĩ phiêu bạt ghé
qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng
rồi lặng lẽ ra đi.
Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi
tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ
nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì
thầm :”Hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó
tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó sẽ trở thành một kiếm sĩ lừng danh”.
Cha
cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được
giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỹ
vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn
ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì
thì cậu đã run rẫy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: “Ta phải trở thành
một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này”.
Chàng
trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị samurai ngắm
nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ
liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến
với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những samurai kiêu hùng
nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? Chàng đã tự mình rèn nó thành
thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực.
Nhưng chưa được.
Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày
khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề
có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm
được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? Lúc này người mẹ và người
thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm
xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã
tàn lụi trên núi Phú sĩ , đêm đã tràn ngập trên xóm núi , cô gái lại
buồn bã nhìn chàng ngồi bất động ,trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn
cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày
nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ
-Anh
thân yêu! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả ? Nếu nó
không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi
mãi buồn đau?
Nhìn vào bếp lửa ,chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và nói chậm rãi rất quả quyết
-
Chỉ buốn đau thôi ư? Không đâu! Đối với anh,thanh kiếm là sự nghiệp, là
cuộc sống, là tất cả…..làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo
chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi!
Anh chết mất! Sao thời buổi này yên bình đến thế ? Sao không có kẻ cướp
nào thúc giục anh xuống kiếm.không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với
anh?
Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi
- Anh thân yêu! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi.
Cầm thanh kiếm sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim.
Máu
trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm hồng chiếc áo kimono
trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay
rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng ,thanh
kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã
được no mình trong máu.
Nhưng từ đó, chàng trai
hoàn toàn cô độc. Không samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang
chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh
bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu …. Cho đến một hôm, một buổi
chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm
thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm :”Tha lỗi cho anh. Anh đã
hiểu ra rồi…”Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường
mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào
mộ đất….tuyết không ngừng rơi….đến sáng. Tuyết đã ôm trọn chàng trai và
ngôi mộ vào vòng tay của mình.
Chỉ còn lại một cây
hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hoá
thân từ thanh kiếm ấy. Người ta dặt tên hoa là Anh đào. Hoa anh đào có
nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa đươc
ươm mầm và trổ bông ở vùng núi Phú sĩ.
Anhtai (sưu tầm)
Nhận xét
Đăng nhận xét